Vì sao chủ xe không được từ bỏ xe đã mua bảo hiểm?

Theo Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm, chủ xe không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm nhằm ràng buộc trách nhiệm với tài sản được bảo hiểm. Theo các chuyên gia pháp lý, quy định này đề phòng trường hợp người được bảo hiểm nảy sinh ý đồ trục lợi qua việc để mặc cho tổn thất xảy ra.

Trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được UBTV Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tại Mục 3 về Hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại có điều luật về “Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm”.

 

Điều luật này nêu rõ, trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác.

 

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định này không mới, phù hợp với thông lệ quốc tế về ràng buộc trách nhiệm với tài sản được bảo hiểm. Điều này có nghĩa, khi tài sản bị tổn thất toàn bộ, công ty bảo hiểm có thể thu hồi hoặc không thu hồi; trường hợp không thể thu hồi thì bên mua bảo hiểm cũng không được từ bỏ tài sản này.

 

Quy định trên xuất phát từ yêu cầu bảo vệ tài sản để tránh tổn thất xảy ra, dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường từ hành vi vô trách nhiệm đối với tài sản bảo hiểm của người được bảo hiểm. Quy định này cũng nhằm đề phòng trường hợp, người được bảo hiểm nảy sinh ý đồ trục lợi thông qua việc để mặc cho tổn thất xảy ra, nhằm hưởng tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm.

 

Đề xuất quy định chủ xe không được từ bỏ tài sản đã mua bảo hiểm có hạn chế được các trường hợp trục lợi bảo hiểm (ảnh minh họa)

 

Về căn cứ bồi thường, Dự thảo nêu rõ, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm, được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.

Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cũng theo Dự thảo, bên mua bảo hiểm phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm khi biết sự kiện bảo hiểm xảy ra. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền giảm trừ số tiền bảo hiểm phải trả, hoặc bồi thường tương ứng với thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu nếu bên mua bảo hiểm không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ này theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này nếu hợp đồng bảo hiểm không có thỏa thuận về trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, các biện pháp chế tài trong việc chậm thông báo về sự kiện bảo hiểm.

Nguồn: xehay.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *